Phân tích tuyên ngôn độc lập

 Các bài phân tích Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới đây chắc chắn sẽ là tài liệu cần thiết cho các em học sinh lớp 12 chuẩn bị cho các kì thi sắp tới. Hôm nay Top 10 Branding sẽ tổng hợp Top 20 bài phân tích bản Tuyên ngôn độc lập lớp 12 hay nhất. Hãy cùng cúng tôi tìm hiểu nhé!

Phân tích bài Tuyên ngôn độc lập

“Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh là một văn bản lịch sử chính trị to lớn tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ra, mở ra một kỉ nguyên mới, độc lập tự do cho dân tộc. Có thể coi đây là “bài thơ thần” của thời đại mới.

Hồ Chủ tịch đã xây dựng bố cục của bản tuyên ngôn với ba phần chính: cơ sở thực tế, cơ sở pháp lý và lời tuyên bố độc lập. Mà trước hết là cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn. Không giống như ông cha ta ở quá khứ thường xuyên ôn lại các trang sử vẻ vang của dân tộc, Bác đã trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn của Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791. Hồ Chí Minh quả thật đã rất sắc sảo và trí tuệ trong cuộc đối thoại lịch sử này. Bởi hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của Pháp và Mỹ ở thế kỉ XVIII là di sản tư tưởng của nhân loại, đánh dấu buổi bình của cuộc Cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến, đã có công lao nêu thành nguyên tắc, pháp lý quyền cơ bản của con người vì vậy có sức thuyết phục người đọc, người nghe. Việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của nhân loại làm cơ sở pháp lý cho bản tuyên ngôn của mình, Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện vốn hiểu biết văn hóa sâu rộng mà còn thể hiện sự khôn khéo và kiên quyết. Cái khôn khéo của Người là tỏ ra trân trọng bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ nhưng cương quyết cũng bởi đây cũng chính là hình thức “gậy ông đập lưng ông”. Không có gì thuyết phục hơn khi lấy chính luận điệu của kẻ thù để vạch mặt chúng. Người đã nhắc họ đừng làm vấy bẩn lên ngọn cờ chính nghĩa mà tổ tiên họ đã phải trải qua bao nhiêu năm đấu tranh mới có thể dành được. Với cách trích dẫn này, Bác đã đặt ba bản Tuyên ngôn ngang hàng nhau, đặt ba nền độc lập đăng đối gợi được niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt là ba chữ “suy rộng ra” mang tầm nhân văn cao đẹp. Từ quyền con người nói chung của hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ, Người đã nâng lên thành quyền dân tộc. “Suy rộng ra…tất cả các dân tộc trên thế giới… quyền sung sướng và quyền tự do”. Điều đó có nghĩa là không chỉ có cá nhân bình đẳng về quyền lợi mà các dân tộc trên thế giới cũng có quyền bình đẳng, quyền tự chủ, tự quyết. Chính ý kiến “Suy rộng ra” của Bác có ý nghĩa lớn lao đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Người đã phát triển quyền lợi con người thành quyền lợi dân tộc. Kết lại cơ sở pháp lý là lời khẳng định đanh thép: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được” đã làm nổi bật lên luân lí chính trị sâu sắc: quyền được sống, quyền được tự do dân tộc Việt Nam.

Kế tiếp là cơ sở thực tế, Hồ Chí Minh đã nêu ra những lí lẽ, dẫn chứng vô cùng thuyết phục. Trước lời rêu rao kể công khai hóa thuộc địa của Pháp, Người đã chứng minh đó không phải là công mà là tội. Về mặt lí lẽ, Bác viết “Thế mà hơn 80 năm nay bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Lí lẽ ngắn gọn, lập luận theo lối phản đề được tạo bởi thủ pháp tương phản đối lập và kết hợp với sử dụng động từ mạnh “cướp”, “áp bức”. Người đã đưa ra một tương phản đủ để lột mặt nạ kẻ thù. Đó là tương phản giữa khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” mà chúng rêu rao và thực tế “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”. Bản chất của thực dân Pháp đã bộc lộ rõ lời nói đối nghịch với việc làm, khẩu hiệu thì đẹp đẽ nhưng hành động lại tham tàn. Trong tám mươi năm thống trị nước ta chúng đã gây ra bao tội ác tày trời làm đau khổ người Việt Nam. Một loạt những dẫn chứng vô cùng thuyết phục. Người kể ra năm tộc ác về chính trị: tước đoạt quyền tự do dân chủ, luật pháp dã man chia để trị, chém giết những chiến sĩ yêu nước của ta, ràng buộc dư luận và thi hành chính sách ngu dân, đầu độc dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện. Năm tội ác về kinh tế: bóc lột tước đoạt độc quyền in giấy bạc, sưu thuế nặng, đè nén khống chế các nhà tư sản… hậu quả của sự bóc lột là hơn hai triệu người dân Việt Nam chết đói năm 1945. Về văn hóa – giáo dục: chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Thực dân Pháp không chỉ gây ra tội ác trên mọi mặt đời sống mà còn gây ra đối với mọi tầng lớp: “dân cày và dân buôn trở nên bần cùng, không cho các nhà tư sản của ta ngóc đầu lên, chúng bóc lột công nhân ra một cách tàn nhẫn”. Thực dân Pháp đã rêu rao công lao bảo hộ Đông Dương thì nhân danh nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tố cáo sự đớn hèn, bạc nhược và vô liêm sỉ của của thực dân Pháp và tội ác bán nước ta hai lần cho Nhật qua những hành động rước Nhật, quỳ gối đầu hàng hoặc bỏ chạy, trong vòng năm năm, bán nước ta hai lần cho Nhất. Khi thua chạy, chúng còn tán tận lương tâm giết nốt một số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng. Như vậy, chúng không có quyền nói đến chuyện bảo hộ Việt Nam.

Ngược lại với tội ác của thực dân Pháp là tinh thần đấu tranh anh dũng của dân tộc ta. Hồ Chí Minh đã chứng minh truyền thống của dân tộc Việt Nam là lòng nhân đạo. Với kẻ thù, Việt Minh đã “giúp người Pháp chạy qua biên thủy, cứu cho người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ”. Qua ba động từ “cứu, giúp, bảo vệ” ta thấy được tinh thần nhân đạo to lớn của dân tộc Việt Nam:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo

(Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi)

Câu văn “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” thật đặc biệt. Chỉ chín chữ thôi nhưng đã tái hiện lại toàn bộ những sự kiện lịch sử trọng đại của Việt Nam, đó là không khí của cuộc Cách mạng tháng Tám giúp cho ách thực dân, họa phát xít đã được quét sạch, thù trong giặc ngoài đã được dẹp yên. Hồ Chí Minh còn tranh thủ sự ủng hộ của các nước Đồng minh: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Lí lẽ Người đưa ra nhằm thuyết phục các nước Đồng minh vừa công nhận nền độc lập, quyền bình đẳng dân tộc của các nước trên thế giới ở hai cuộc Hội nghị, nay nếu không công nhận quyền độc lập của Việt Nam thì sẽ trở thành kẻ phản bội chính mình. Cùng với đó là lí lẽ sâu sắc: “Một nước Việt Nam đã gan góc đứng về phía đồng minh để chống lại phát xít Nhật, còn thực dân Pháp lại phản bội Đồng minh. Đồng minh phải công nhận nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống phát xít, dân tộc đó phải được tự do, độc lập”.

Kết thúc của bản tuyên ngôn là lời tuyên bố độc lập. Hồ Chí Minh khẳng định với thế giới. Độc lập tự do vừa là quyền lợi, vừa là chân lý bất khả xâm phạm, yêu cầu quốc tế phải thừa nhận: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Bác cổ vũ khích lệ tinh thần nhân dân: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời tuyên bố hùng hồn giống thể hiện tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc.

Với bản “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chí Minh đã để lại một văn kiện lịch sử đầy giá trị. Bản Tuyên ngôn đã nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí chống quân xâm lược, lòng tự hào dân tộc; đánh dấu mốc son trong lịch sử dân tộc ta.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

10 cách sử dụng điện thoại Windows (hiện đã ngừng hỗ trợ)

Phim Hồng Kông TVB hay nhất hiện nay

Phân tích bài thơ Tây Tiến